Tuesday, May 29, 2007

Gỡ rối việc luật hóa các loại hợp đồng kinh tế


In E-mail
Lúng túng trong phân biệt hợp đồng kinh tế với dân sự và hợp đồng thương mại khiến việc phân xử rất nhiều tranh chấp kinh tế khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân khiến nội dung liên quan đến hợp đồng trong Dự thảo Luật thương mại nhận được nhiều đóng góp trái chiều tại các hội thảo lấy ý kiến gần đây.

Luật sư Phạm Liêm Chính, Đoàn luật sư Hà Nội, cho rằng, Luật Thương mại thể hiện càng chi tiết bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu các quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng. Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ có một số quy định về mua bán hàng hóa tại chương II. Trong khi đó, hợp đồng mua bán giữa thương nhân có những đặc điểm riêng khác biệt so với hợp đồng mua bán dân sự thông thường giữa các công dân với nhau.

Dự Luật thương mại sẽ được hoàn thiện và thông qua trong kỳ họp Quốc hội thứ 7.

Theo ông Chính, hợp đồng mua bán sẽ hướng dẫn cho các doanh nghiệp VN biết một cách chi tiết về quyền và nghĩa vụ của họ trong mua bán hàng hóa nhất là với quốc tế. Nó đảm bảo cho các doanh nghiệp VN tôn trọng hợp đồng và tránh vi phạm những nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện. "VN đang ở ngưỡng cửa gia nhập WTO. Do vậy cần phải có những quy định đầy đủ cho các doanh nghiệp biết quyền và nghĩa vụ trong quan hệ thương mại quốc tế đồng thời trang bị cho họ những hiểu biết về quyền của họ khi đối tác nước ngoài vi phạm hợp đồng", ông Chính nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Am Hiểu, đại diện Bộ Tư Pháp lại cho rằng, hoạt động thương mại không chỉ điều chỉnh trong luật thương mại mà còn được điều chỉnh trong nhiều văn bản pháp luật khác, thậm chí còn điều chỉnh bằng nhiều cách thức khác không bằng pháp luật. Ông Hiểu lấy ví dụ, Hà Nội với dân số 3,2 triệu người, mỗi buổi sáng chỉ cần đến 8 giờ đã có thể có khoảng 1 triệu hợp đồng được giao kết và phần lớn trong số họ đều không đọc Bộ luật dân sự và Luật thương mại. Vậy làm sao pháp luật có thể bao trùm hết mọi hoạt động?

Trong một hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Thương mại gần đây, khá nhiều luật sư cho rằng, phân biệt giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại đã lạc hậu và nên hợp nhất thành một luật chung. Theo đó, nên bãi bỏ Pháp lệnh hợp đồng kinh tế vì nó chỉ bó gọn trong việc mua bán, dịch vụ liên quan tới hàng hoá, và chỉ giữa các pháp nhân và thương nhân có đăng ký kinh doanh.

Nhận xét về những quy định liên quan đến hợp đồng, Giám đốc công ty tư vấn Mỹ Hoài Anh Peter Nelson phân tích, so sánh với thông lệ quốc tế, có thể thấy khuôn khổ pháp lý về hợp đồng của Việt Nam được điều chỉnh bởi quá nhiều luật: Luật dân sự, Pháp lệnh hợp đồng kinh tế, rồi Luật thương mại. Theo ông, việc sửa đổi Luật dân sự cũng đang được tiến hành, vì vậy nên sửa đổi đồng bộ hoặc thống nhất các quy định về hợp đồng.

Ông Peter Nelson đề nghị đi theo hướng lấy Bộ luật dân sư làm nền tảng, còn Luật Thương mại chỉ "chi tiết hoá" các giao dịch kinh doanh đặc thù. Với cách tiếp cận này khi xảy ra xung đột có thể xác định rõ được là sẽ ưu tiên áp dụng các quy định của luật nào để giải quyết tranh chấp.

Ông Nelson trích dẫn một vụ việc kéo dài hơn 5 năm đã được đăng tải trên một tờ báo kinh tế để minh họa. Công ty Việt Mỹ ký 3 hợp đồng thuê ông Nhã vận chuyển gạo từ cảng Phong Điền đến Sài Gòn và khi thực hiện hợp đồng các bên đã phát sinh tranh chấp và Công ty Việt Mỹ đã khởi kiện ra Toà dân sự TAND tỉnh Cần Thơ.

Sau khi thụ lý được gần 1 năm, TAND tỉnh ra quyết định tạm đình chỉ vụ án chuyển sang Toà kinh tế với lý do đây là vụ án kinh tế. Lại hơn 1 năm sau, Toà kinh tế cũng lại ra quyết định tạm đình chỉ vụ án chuyển lại cho Toà dân sự cũng với lý do nêu trên.

Đến lúc này chính bị đơn cũng kháng cáo quyết định đình chỉ vụ án nêu trên, nhưng đơn chưa được giải quyết phúc thẩm thì Toà dân sự TAND tỉnh Cần Thơ thụ lý lại vụ án và sau đó lại quyết định đình chỉ việc giải quyết dân sự, chuyển sang Toà kinh tế. Sau nhiều lần qua lại, Toà kinh tế cũng xét xử và ra quyết định xử thua ông Nhã, nhưng lại tách một vấn đề trong vụ án thành vụ kiện riêng.

Sau khi ông Nhã khiếu nại, TAND tối cao xử phúc thẩm vụ án, giảm nhẹ trách nhiệm cho ông Nhã, nhưng ông Nhã tiếp tục khiếu nại và Viện KSND tối cao cũng cho rằng, cả 2 toà án đều xét xử không đúng thẩm quyền do nguyên đơn đã hết thời hiệu khởi kiện. Do đó, đề nghị Uỷ ban thẩm phán TAND tối cao huỷ cả 2 bản án và đình chỉ giải quyết vụ án nói trên. Nhưng sau một thời gian cân nhắc, Uỷ ban thẩm phán vẫn giữ nguyên án phúc thẩm.

(Theo Vnexpress)

1 comment:

ngocuong1960 said...

Pháp lệnh hợp đồng kinh tế đã hết hiệu lực. Hiện nay về cơ bản tuân theo hợp đồng dân sự và luật thương mại.