Tuesday, May 29, 2007

Luật Thương mại 2006: thu hẹp khoảng cách với thế giới

Luật Thương mại 2006: thu hẹp khoảng cách với thế giới - 12/10/05 -

Trong nỗ lực hội nhập quốc tế để chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), ngày 14/06/2005, Quốc hội Việt nam đã thông qua Luật thương mại sửa đổi, thay thế cho Luật thương mại cũ ban hành năm 1997. Luật thương mại 2006 sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2006.

Cần nhắc lại rằng việc ban hành Luật thương mại năm 1997 đánh dấu một mốc quan trọng trong chương trình cải cách kinh tế và pháp luật tại Việt nam. Luật thương mại 1997 quy định khung pháp luật tương đối hoàn chỉnh để điều tiết các mối quan hệ kinh doanh và là cơ sở pháp lý cho việc thiết lập các hợp đồng kinh tế. Trong 7 năm qua, Luật thương mại 1997 đã đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tại Việt nam, dần dần đưa hoạt động thương mại vào khuôn khổ pháp luật, khuyến khích và nâng cao nhận thức pháp luật trong các hoạt động thương mại.

Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện, Luật thương mại 1997 không còn theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Vì thế cần phải có những thay đổi căn bản nhằm làm thu hẹp khoảng cách giữa luật Việt nam và luật quốc tế, tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên tham gia vào hoạt động thương mại tại Việt nam.

Dưới đây là một số điểm đáng chú ý của Luật thương mại 2006

1. Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Phạm vi điều chỉnh của Luật thương mại 2006 được mở rộng hơn so với Luật thương mại 1997. Luật thương mại 2006 không giới hạn hoạt động thương mại trong 14 loại hình như luật cũ, mà quy định hoạt động thương mại là tất cả các hoạt động nhằm mục đích sinh lời, không chỉ giới hạn trong các giao dịch mua bán hàng hoá và các hoạt động liên quan khác, mà bao gồm cả các hoạt động cung cấp dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động thương mại khác.

Luật thương mại 2006 không chỉ điều chỉnh các hoạt động thương mại diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam mà còn điều chỉnh cả các giao dịch thương mại thực hiện ở nước ngoài. Các bên tham gia giao dịch có thể thoả thuận về việc áp dụng luật này hoặc một luật thương mại nước ngoài hoặc một hiệp ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Ngoài ra, đối với các hoạt động phi thương mại, các bên tham gia có thể lựa chọn hoặc Bộ luật dân sự hoặc luật này để điều chỉnh các các hoạt động không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật thương mại 1997.

2. Giải quyết vấn đề chồng chéo giữa các văn bản pháp luật

Một trong những cản trở chính cho việc áp dụng Luật thương mại 1997 là mối quan hệ phức tạp của nó với một số văn bản pháp luật khác, cụ thể là Pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế và Bộ luật Dân sự. Đây chính là nguyên nhân làm cho các cơ quan thuộc toà án cũng như các bên liên quan gặp khó khăn trong việc xác định luật nào điều chỉnh các giao dịch của họ. Luật thương mại 2006 giải quyết các vấn đề chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, cụ thể như sau:

· Các hoạt động có tính chất thương mại, nếu được quy định tại một luật riêng thì sẽ được điều chỉnh bởi luật đó, và

· Các hoạt động không được quy định trong Luật thương mại và cũng không được quy định trong một luật riêng khác, thì sẽ được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự.

Luật thương mại 2006 sẽ thay thế Pháp lệnh hợp đồng kinh tế ngay khi nó có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2006.

3. Mở rộng khái niệm về hàng hoá và dịch vụ thương mại

Theo Luật thương mại 1997, hàng hóa được xác định bao gồm máy móc, thiết bị, vật liệu thô, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, các tài sản lưu động khác, nhà cho thuê, nhà để mua hoặc bán hoặc cho mục đích kinh doanh khác. Khái niệm hàng hóa theo Luật thương mại 2006 được mở rộng bao gồm tất cả các loại động sản bao gồm cả tài sản sẽ có trong tương lai và tất cả các tài sản liên quan đến đất đai.

Khái niệm dịch vụ thương mại được mở rộng bao gồm tất cả các dịch vụ mà pháp luật không cấm. Theo Luật thương mại 1997, dịch vụ thương mại bị giới hạn là các hoạt động liên quan đến mua và bán.

4. Lựa chọn các loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Với Luật thương mại 1997 các doanh nhân nước ngoài muốn hoạt động thương mại tại Việt nam chỉ có thể thành lập văn phòng đại diện và chi nhánh. Luật thương mại 2006 cho phép họ có nhiều lựa chọn hơn. Theo luật mới này, họ có thể thành lập một số loại hình doanh nghiệp khác như công ty liên doanh và công ty 100% vốn nước ngoài.

5. Nhượng quyền thương mại

Nhượng quyền thương mại là một hoạt động khá phổ biến trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Luật thương mại Việt Nam quy định về vấn đề này. Theo Luật thương mại 2006, nhượng quyền thương mại được quy định là hoạt động thương mại trong đó Bên nhận quyền thương mại được phép tiến hành mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ theo cách thức và phương pháp kinh doanh do Bên nhượng quyền thương mại quy định. Bên nhận quyền thương mại được phép sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại, bí quyết kỹ thuật, biểu tượng... do Bên nhượng quyền thương mại chuyển giao. Bên nhượng quyền thương mại có thể kiểm soát và trợ giúp Bên nhận quyền thương mại tiến hành các hoạt động thương mại. Hoạt động thương mại này phải được làm thành văn bản và phải đăng ký với Bộ thương mại.

Hiện nay theo luật pháp Việt nam, nhượng quyền thương mại là một hình thức chuyển giao công nghệ và được điều chỉnh bởi Nghị định số 11/2005/ND-CP của Chính phủ ngày 02/02/2005. Theo Nghị định này, thời hạn hiệu lực của Hợp đồng nhượng quyền thương mại là 7 năm (hoặc 10 năm trong trường hợp đặc biệt). Luật thương mại 2006 không hạn chế thời hạn hiệu lực của Hợp đồng nhượng quyền thương mại, các bên tham gia hợp đồng có thể thoả thuận về thời hạn này.

6. Bổ sung các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng thương mại

So với Luật thương mại 1997, Luật thương mại 2006 quy định thêm 2 biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng thương mại, bao gồm đình chỉ thực hiện hợp đồng thương mại và tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng thương mại. Ngoài ra, Luật thương mại 2006 cũng chấp nhận thoả thuận của các bên trong việc lựa chọn các hình thức xử phạt khách nhau theo đúng pháp luật.

No comments: