Tuesday, May 29, 2007

Khái niệm, đặc điểm và mục đích của hợp đồng giao sau

Khái niệm, đặc điểm và mục đích của hợp đồng giao sau

Trong Thị trường giao sau, người ta lập các Hợp đồng giao sau (HĐGS) và HĐGS chỉ tồn tại trong TTGS. Do đó, HĐGS mang những đặc điểm riêng biệt, khác hẳn với các loại hợp đồng khác. Cụ thể là một bên muốn tham gia vào quan hệ này, họ không ngồi lại với phía đối tác bên kia để cùng thống nhất lập một bản hợp đồng mà các bên chỉ việc viết một lệnh mua hoặc bán một loại hàng hóa cơ sở nào đó và yêu cầu Công ty giao sau mang lệnh đó đi đấu giá trên SGD.

Nhưng lệnh yêu cầu mua sẽ mãi mãi không thi hành được nếu không gặp một lệnh bán cùng loại hàng hóa ở cùng giá đã được niêm yết tại SGD. Điều đó cho thấy rằng, đằng sau những phiếu lệnh mà khách hàng yêu cầu thi hành là một quan hệ hợp đồng. Quan hệ hợp đồng này khá phức tạp nên việc nghiên cứu để hiểu biết rõ bản chất của nó sẽ giúp cho việc đưa ra được các quy phạm pháp luật điều chỉnh đúng đắn.

1. Khái niệm.

Có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về HĐGS. Các giáo trình tài chính thường định nghĩa HĐGS mang nội dung như sau:

HĐGS là một cam kết pháp lý có tính ràng buộc, được lập thông qua Sở giao dịch, để mua hoặc bán một lượng hàng hóa hoặc các công cụ tài chính nhất định ở một giá xác định tại một thời điểm đã được định trước trong tương lai; hợp đồng đó có thể được thanh toán bù trừ trước ngày đáo hạn hợp đồng.

Hoặc trong bài viết của các nhà khoa học Thái Lan khi nghiên cứu xây dựng TTGS ở Thái Lan thì có định nghĩa sau:

“HĐGS là một cam kết của hai bên, giữa bên mua và bên bán, để giao dịch hàng hóa vào một thời điểm trong tương lai, về một loại hàng hóa đặc biệt hoặc các loại dịch vụ ở một giá được định trước. Giá cả được xác định thông qua một tiến trình niêm yết và đấu giá tuân theo những luật lệ của một Sở giao dịch có tổ chức.”

Dựa vào các định nghĩa trên, chúng tôi xin đưa ra một định nghĩa chung như sau:

“HĐGS là một cam kết pháp lý của các bên về việc mua hoặc bán một lượng hàng hóa vào một thời điểm trong tương lai thông qua Sở giao dịch và các cơ quan trung gian ở một giá được định trước.”

Sự cam kết pháp lý về một hành vi trong tương lai này có thể được các bên hủy bỏ một cách hợp pháp khi lập một HĐGS khác ngược lại vị thế mà mình đã có. Cũng vì lý do đó mà ta có thể chia HĐGS thành hai loại :

- HĐGS được thanh lý sau khi giao hàng. Đây là loại hợp đồng tồn tại một sự giao hàng thực sự theo như thời điểm giao hàng đã thoả thuận trong hợp đồng . Trong trường hợp này, về bản chất thì HĐGS tương tự như hợp đồng kỳ hạn (forward).

- HĐGS được thanh lý trước ngày giao hàng ghi trong hợp đồng. Đây là loại hợp đồng không có sự giao hàng trên thực tế xảy ra, các bên chấm dứt sự ràng buộc của mình đối với phía bên kia bằng nghiệp vụ thanh toán bù trừ, nghĩa là các bên mua hoặc bán lại chính loại hàng hóa đó ngược với vị thế mà mình đã có (vị thế mua hoặc bán trước đây). Đây là dạng phổ biến, nhờ đó mà tồn tại TTGS.

2. Đặc điểm.

HĐGS có nhiều đặc điểm riêng biệt, không có ở các hợp đồng khác. Dựa vào định nghĩa và thực tiễn, HĐGS có thể được chia thành các đặc điểm chính sau:
- Các điều khoản trong HĐGS được tiêu chuẩn hóa.
- HĐGS là một hợp đồng song vụ, cam kết thực hiện nghĩa vụ trong tương lai.
- HĐGS được lập tại SGD qua các cơ quan trung gian.
- HĐGS phải có tiền bảo chứng và đa số các HĐGS đều được thanh lý trước thời hạn.

Các điều khoản trong HĐGS được tiêu chuẩn hóa.

Trong TTGS, các hoạt động mua bán được thực hiện liên tục với trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bảo đảm an toàn cao. Do đó, các điều khoản trong hợp đồng được tiêu chuẩn hóa một cách tối đa, giúp cho việc ký kết hợp đồng nhanh chóng, đảm bảo an toàn về mặt pháp lý. Các điều khoản được tiêu chuẩn hóa trong TTGS là: tên hàng, chất lượng, độ lớn hợp đồng, thời gian giao hàng, địa điểm giao hàng.

Tên hàng phải là chính hàng hóa được phép giao dịch trên SGD đó. Hàng hóa đó có thể là một loại hàng hóa thông thường hoặc cũng có thể là các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất, chỉ số… Mỗi SGD chỉ giao dịch một số loại hàng hóa nhất định. Do đó, người tham gia thị trường chỉ được phép giao dịch các hàng hóa cho phép trong SGD đó. Trong trường hợp người nông dân muốn bảo vệ cho hàng hóa của mình nhưng hàng hóa đó không được mua bán trên SGD thì họ có thể bán bằng một HĐGS của loại hàng hóa tương tự. Ví dụ như người nông dân thu hoạch Bắp hạt vàng loại 4, trong khi đó, SGD chỉ cho phép giao dịch loại 1 và loại 2, thì người nông dân có thể thực hiện các HĐGS thanh toán bù trừ đối với Bắp loại 2 để bảo hộ cho giá Bắp loại 4 của mình.

Chất lượng hàng hóa cũng được tiêu chuẩn hóa. Hàng hóa được phân thành các mức chất lượng khác nhau nhưng thông thường thì SGD chỉ cho phép giao dịch một vài mức chất lượng nhất định.

Độ lớn là độ lớn giá trị tài sản được giao dịch trong một hợp đồng. Độ lớn mỗi HĐGS về mỗi loại hàng hóa đều được thống nhất và hầu như được thống nhất trên toàn thế giới giúp cho việc mua bán giữa các TTGS trên thế giới dễ dàng hơn. Chẳng hạn như một hợp đồng vàng có khối lượng là 100 ounces, hợp đồng dầu thô là 1000 barrels, hợp đồng Yen Nhật là 12.500.000 ¥, hợp đồng cà phê arabica là 37.500 pounds (tại NYMEX), hợp đồng cà phê robusta là 5 tấn (tại LIFFE),… việc qui định độ lớn mỗi hợp đồng sao cho không quá lớn để những nhà bảo hộ nhỏ cũng có khả năng tham gia, không quá nhỏ vì khoản được bảo hộ hoặc đầu cơ sẽ không bù đắp được chi phí huê hồng hay các chi phí khác.

Thời điểm giao hàng (thời điểm đáo hạn hợp đồng) thường được xác định là tháng giao hàng trong năm. Trong tháng giao hàng đó, ngày giao hàng được quy định cụ thể tuỳ vào loại hàng hóa và thị trường. Ví dụ như hợp đồng Bạc được đáo hạn vào tháng 3,5,7,9,12; hợp đồng tiền tệ qui định tháng đáo hạn là 3,6,9,12;…

Thời điểm giao hàng là điều kiện xác định để nhằm phân biệt đối tượng được giao dịch trong HĐGS, ví dụ như: HĐGS cà phê tháng 3 năm 2005 khác với HĐGS cà phê tháng 5 năm 2005…

Địa điểm giao hàng trong HĐGS do SGD quy định. Việc giao hàng này xảy ra khi các bên mong muốn thi hành hợp đồng.

Sự tiêu chuẩn hóa các điều khoản chủ yếu trong HĐGS là một trong những đặc điểm để phân biệt HĐGS với các loại hợp đồng khác.

HĐGS là một hợp đồng song vụ, cam kết thực hiện nghĩa vụ trong tương lai.

Khi lập một HĐGS thì các bên bị ràng buộc quyền và nghĩa vụ vào trong mối liên hệ đó. Trong đó bên bán phải có nghĩa vụ giao một khối lượng hàng xác định cho bên mua và có quyền nhận tiền vào một thời điểm trong tương lai ở một giá thoả thuận trước. Còn bên mua phải có nghĩa vụ thanh toán tiền theo như thoả thuận trong hợp đồng và có quyền nhận hàng cũng vào một thời điểm trong tương lai.

Đặc điểm trên cũng là một dấu hiệu giúp phân biệt HĐGS với một loại hợp đồng phái sinh khác là hợp đồng quyền chọn (Option). Trong hợp đồng quyền chọn thì chỉ bên mua quyền được mua (buy call) hoặc mua quyền được bán (buy put) mới có quyền, bên còn lại (sell call – sell put) không có quyền mà phải thực hiện nghĩa vụ mà mình cam kết với bên kia.

Như vậy, cả hai bên trong quan hệ HĐGS đều bị ràng buộc bởi những quyền và nghĩa vụ nhất định. Và để đảm bảo cho các HĐGS được thi hành nên SGD đã qui định các biện pháp bảo đảm đối với cả bên mua lẫn bên bán bằng việc ký quỹ hoặc các giấy tờ chứng minh khác.

HĐGS được lập tại SGD qua trung gian CQTL.

Ở trong TTCK, các loại chứng khoán có thể được mua bán trên SGD hoặc ở thị trường tự do nhưng trong TTGS thì các HĐGS chỉ được lập trên SGD. Việc mua bán qua SGD trong TTGS làm cho các nhà đầu tư không cần quan tâm đến đối tác của mình. Chỉ cần các bên tuân thủ quy định pháp luật khi ký kết thì quyền và nghĩa vụ các bên sẽ được bảo đảm. Bởi vì, việc giám sát đảm bảo thực hiện hợp đồng của tất cả các thành viên tham gia trong TTGS đã có CQTL đảm nhiệm. Trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện giao dịch thanh toán bù trừ thì CQTL sẽ cân đối, bù trừ vào tài khoản của các nhà đầu tư; còn trong trường hợp các bên muốn được thi hành hợp đồng thì CQTL sẽ là cầu nối, yêu cầu bên bán và bên mua giao nhận hàng tại kho hoặc nơi do CQTL chỉ định.

Ngoài CQTL ra thì còn có nhiều bên khác làm trung gian giúp cho việc giao kết HĐGS. Đó là các công ty thanh lý thành viên, các Công ty giao sau, các quỹ đầu tư,… làm trung gian giữa nhà đầu tư với CQTL. Các bên này có nhiệm vụ giúp CQTL xác định tư cách tham gia TTGS của các nhà đầu tư, giúp họ giao dịch bằng cách nhận lệnh của họ và đem đấu giá trên sàn.

HĐGS phải có tiền bảo chứng và đa số các HĐGS đều được thanh lý trước thời hạn.

Tiền bảo chứng là biện pháp bảo đảm thi hành hợp đồng, bắt buộc đối với cả bên bán và bên mua. Thay vì phải bỏ ra một khoản tiền lớn để đặt cọc hoặc một lượng tiền bằng với giá trị hàng hóa (thế chấp) để bảo đảm cho việc mua bán thì SGD chỉ quy định một mức bảo chứng rất thấp, tùy vào loại hàng hóa. Tiền bảo chứng thấp trong HĐGS cũng như trong hợp đồng quyền chọn là một trong những nguyên nhân làm cho chúng trở thành những công cụ đòn bẩy tài chính mạnh nhất ngày nay. Chính vì tiền bảo chứng thấp nên ai cũng có thể tham gia thị trường với tư cách là nhà đầu cơ. Những nhà đầu cơ luôn kỳ vọng vào việc kiếm lời đã trở thành nhân vật chủ yếu trong TTGS, TTGS hoạt động sôi nổi và trôi chảy là nhờ họ. Và vì thế, những người có hàng hóa cần được bảo hộ lại được lợi, họ có thể dễ dàng lập một HĐGS bất cứ lúc nào vì lúc nào cũng có người mua bán. Nhờ vậy mà TTGS có tính thanh khoản cao.

Cuối cùng là một đặc điểm hết sức độc đáo của HĐGS mà các dạng hợp đồng khác không có được, đó là thanh lý hợp đồng trước ngày đáo hạn. Trong các hợp đồng thông thường, khi các bên muốn thanh lý hợp đồng trước ngày giao hàng đồng nghĩa với việc thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng hoặc thoả thuận chuyển nghĩa vụ của mình cho người khác, khi đó các bên sẽ thoát khỏi sự ràng buộc về nghĩa vụ với nhau. Nhưng trong HĐGS thì các bên có thể thanh lý hợp đồng trước ngày đáo hạn một cách dễ dàng mà không cần phải thông qua một sự thoả thuận nào bằng cách thực hiện nghiệp vụ thanh toán bù trừ là lập một hợp đồng ngược lại vị thế mà mình đã có. Cứ như thế, các bên có thể mua đi bán lại nhiều lần một loại hàng hóa vào một tháng giao hàng nhất định trong tương lai. Đến ngày giao hàng, nếu các bên không muốn giao hàng thực sự thì CQTL sẽ thanh toán bù trừ các loại hợp đồng đó và nghĩa vụ giao hàng cũng như nhận hàng của họ được chuyển giao cho người khác.

Ví dụ như vào tháng 2 một người (A) đã bán một hợp đồng vàng tháng 5 với giá 387 USD/ounce nhưng đếng tháng 4 thì hợp đồng vàng tháng 5 chỉ còn ở giá 380 USD/ ounce thì người (A) đó có thể lập một hợp đồng ngược lại với vị thế mà mình đã có bằng cách mua lại hợp đồng vàng tháng 5 với giá 380 USD/ ounce (vào thời điểm tháng 4 thì giá cả của hợp đồng cho tháng 5 hoàn toàn có thể không phải là 380 hoặc 387 USD/ounce). Khoảng chênh lệch giá giữa giá bán và giá mua 7 USD là khoản lời mà người (A) đó kiếm được từ việc thiết lập quan hệ hợp đồng này dù họ không cần có một sự trao đổi hàng hóa thực sự. Trong đó, hành vi bán một hợp đồng vàng tháng 5 sẽ làm phát sinh cho người đó nghĩa vụ giao hàng (vàng) vào tháng 5. Khi người đó thực hiện hành vi mua lại hợp đồng vàng tháng 5 có nghĩa là người (A) đó đã mua cùng một lượng hàng mà mình đã bán trước đây; phía đối tác bên kia (B) sẽ có nghĩa vụ giao hàng (vàng) cho người đó vào tháng 5. Như vậy, tới hạn giao hàng vào tháng 5, người (A) đó sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ giao hàng nữa. CQTL hiểu là người (A) đó sẽ dùng hàng (vàng) của phía đối tác bên kia (B) để thi hành nghĩa vụ của mình (A). Lúc này, nghĩa vụ của người (A) đó được xem như đã chuyển cho phía đối tác kia (B). Nói như thế, xem ra hợp đồng mua lại hợp đồng vàng tháng 5 là một hợp đồng chuyển nghĩa vụ cho một người thứ ba. Nhưng cũng có ý kiến ngược lại cho rằng ở đây không có một hợp đồng chuyển nghĩa vụ cụ thể nào giữa hai bên. Cụ thể là các bên khi lập HĐGS thì chỉ quan tâm đến việc đối tượng trong hợp đồng là (hàng hóa) vàng, không phải đối tượng là nghĩa vụ giao hàng.

Chúng tôi ủng hộ với ý kiến cho rằng đây không phải là hợp đồng chuyển nghĩa vụ cụ thể giữa hai bên trong hợp đồng mà chỉ là một nghiệp vụ thanh toán bù trừ của CQTL vào ngày đáo hạn hợp đồng. Hệ quả của hành vi thanh toán bù trừ của CQTL dẫn đến chuyển nghĩa vụ giữa các bên trong HĐGS . Việc chấm dứt nghĩa vụ này do có sự hoà nhập giữa người có nghĩa vụ và người có quyền; người đang có nghĩa vụ lại trở thành người có quyền đối với chính nghĩa vụ đó (Điều 388 BLDS).

3. Mục đích của HĐGS.

Một điểm nữa giúp cho HĐGS khác với các loại hợp đồng thông thường hiện nay là ở mục đích thực hiện hợp đồng. Mọi người tham gia vào quan hệ HĐGS không phải chỉ vì mục đích trao đổi hàng hóa mà vì hai mục đích sau :

Sử dụng HĐGS để chuyển rủi ro về giá và nguồn hàng mà mình đang nắm giữ hoặc sẽ nắm giữ.

Rủi ro là một thuộc tính gắn liền với hoạt động kinh doanh; có thể chia thành rủi ro có thể dự đoán được và rủi ro không thể dự đoán được. Những rủi ro có thể dự đoán được như thiên tai, hoả hoạn, thiếu nguồn cung ứng, tiêu thụ, tranh chấp về pháp lý… thì có thể được hạn chế bằng các quy định chặt chẽ trong hợp đồng (các trường hợp bất khả kháng, quyền và nghĩa vụ của các bên…). Bên cạnh đó, có những rủi ro mà các chủ thể hoạt động kinh doanh không thể dự đoán trước được hoặc không thể ngăn chặn được như rủi ro về tài chính, thị trường, pháp luật, chính trị, trong quản trị kinh doanh…; các rủi ro tiềm ẩn này đặt những người sản xuất, người kinh doanh luôn phải đối mặt với thua lỗ. Điều đáng lo ngại là các rủi ro này tồn tại mặc nhiên trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh nên họ không thể lập các hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ rủi ro cho một đối tượng cụ thể hoặc trong một thời gian cụ thể nào. Nói như thế không có nghĩa là người ta không còn cách nào để hạn chế những rủi ro tiềm ẩn của thị trường. Các thành phần trong thị trường có thể dùng các loại phái sinh như Hợp đồng quyền chọn (Option) hoặc Hợp đồng giao sau (Futures) để ngăn ngừa các rủi ro có thể làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.

Trong đề tài này, chúng tôi bàn đến mục đích bảo vệ trong HĐGS. Khi người bảo hộ là người sản xuất hay người tiêu thụ ký kết một HĐGS tại một mức giá nhất định, giao hàng vào một thời điểm xác định trước trong tương lai thì đồng nghĩa với việc các bên chấp nhận giới hạn mức lời cũng như mức thua lỗ của mình trong mức giá đó. Dù thị trường có thay đổi giá như thế nào thì họ cũng được đảm bảo một khoản lợi nhuận dự kiến tại mức giá thoả thuận trong HĐGS. Như vậy, họ đã chuyển rủi ro về giá cả hàng hóa trên thị trường qua cho các thành phần đầu cơ khác trên thị trường bằng HĐGS. Thông thường thì người ta coi HĐGS là một công cụ bảo vệ rủi ro cho họ. Do đó, khi cần bán hoặc cần mua một lượng hàng hóa thì họ thiết lập hai loại hợp đồng : (1) hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường và (2) HĐGS để bảo vệ lợi nhuận của mình trước những tác nhân có thể làm thua lỗ từ lúc lập hợp đồng bảo hộ cho đến ngày giao hàng (như: giá hàng hóa tăng, tỷ giá hối đoái giảm…).

Sử dụng HĐGS như một công cụ đầu tư tài chính để kiếm lời.

Bên cạnh mục đích bảo vệ thì HĐGS có thể được dùng như một phương cách đầu cơ. Kinh tế ngày càng phát triển làm cho lượng tiền nhàn rỗi trong dân chúng ngày càng tăng lên nhanh chóng. Lượng tiền nhàn rỗi này có thể được gởi vào ngân hàng, đem đi đầu tư hoặc tham gia vào TTCK. Nhưng từ khi có TTGS, các nhà đầu tư đã lập các HĐGS như một phương cách đòn bẩy tài chính hữu hiệu để thu được lợi nhuận cao . Những người đầu tư thay vì tham gia vào TTCK để mong chờ kiếm lời từ sự thay đổi giá của các loại chứng khoán thì tham gia vào TTGS để kiếm lời từ sự thay đổi giá của các loại hàng hóa trên TTGS. Rủi ro mà các nhà đầu tư phải chịu trên TTGS cũng chính là phần thua lỗ mà người bảo hộ có thể bảo vệ được.

Các nhà đầu tư trên TTGS kinh doanh dựa vào hai mục đích đó. Hai mục đích này cũng là căn cứ để phân loại chủ thể tham gia HĐGS: người bảo hộ và người đầu cơ.

No comments: